Sau cuộc bầu cử 2020 đầy tranh cãi, mà dấu hiệu ngày càng cho thấy ứng viên Joe Biden đã thắng cuộc chức vị Tổng thống, cộng đồng Việt tại Mỹ mà trong đó một phần lớn ủng hộ ứng viên Donald Trump, đang ở trong tâm trạng thất vọng nhức nhối phủ nhận hiện thực phủ phàng. Và chắc chắn sẽ mất một thời gian lâu hơn để trở lại bình thường. Trong cuộc tranh cử giữa Hilary Clinton và Trump và năm 2016, cộng đồng Việt không thể hiện một thái độ chính trị ủng hộ nồng nhiệt cho một phía nào. Sau bốn năm, Trump đã làm gì mà có được sự ủng hộ gần như tuyệt đối trung thành đó, và hiện tượng này nói lên điều gì về cộng đồng Việt Nam? Đồng thời, câu hỏi được đặt ra là sau khi Trump thất bại, cộng đồng sẽ đi về đâu?
Nổ lực tranh tụng qua toà án để bác bỏ kết quả đếm phiếu đã không đi đến đâu và hoàn toàn không có triển vọng đảo ngược kết quả bầu cử. Ngành tư pháp của Mỹ mang tính độc lập với chính trị, xét xử dựa trên nhân chứng, vật chứng và suy luận hữu lý. Đa số những bằng chứng của các luật sư đại diện Trump đưa ra đã không đủ yếu tố thuyết phục, và đã bị bác đơn.
Việc đổ lỗi cho ‘báo chí cánh tả’ đã thông tin lạc quan báo tin chiến thắng sớm cho phía Dân chủ lúc kết quả chưa ngã ngũ cũng không cần thiết, bởi vì báo chí không là một yếu tố ảnh hưởng đến kết quả đếm phiếu chung cuộc do chính quyền tiểu bang và địa phương chịu trách nhiệm.
Quay sang đổ lỗi cho phía Dân chủ đã gian lận trong bầu cử cũng không đứng vững bởi vì không đưa ra được bằng chứng cụ thể. Truyền thống minh bạch trong việc điếm phiếu bầu cử đã có lâu đời ở Mỹ từ bao nhiêu trăm năm nay với sự giám sát chặc chẽ của các bên, gian lận khó có thể xảy ra ở cấp độ lớn, và nhất là có thể đảo ngược kết quả bầu cử. Những kết quả đếm phiếu lần đầu nếu kết quả suýt soát thì sẽ được tự động đếm lại như đang xảy ra ở bang Georgia. Cho nên, một âm mưu gian lận bầu cử trên toàn nước Mỹ từ Nevada, Arizona ở miền Tây, qua Michigan, Wisconsin, Pennsylvania ở miền Bắc, cho đến Georgia ở miền Nam, mà không bị phát hiện trước bầu cử và không thể tìm được bằng chứng sau bầu cử, là một giả thuyết không thể đứng vững.
Việc hy vọng rằng đại cử tri đoàn sẽ không theo ý muốn của đa số cử tri để quay sang bỏ phiếu cho Trump vào ngày 14 tháng 12, cũng sẽ chỉ là một hy vọng hão huyền, bởi vì mỗi đại cử tri đại diện cho đảng phái của mình. Trong tình hình chính trị đảng phái cực đoan hiện nay, sẽ không có tình trạng đại cử tri Dân chủ bỏ phiếu cho Trump. Đồng thời trong lịch sử đại cử tri đoàn gần như không có sự cố đại cử tri phản bội không tôn trọng ý muốn của đa số cử tri.
Mặc dù phong trào ủng hộ Trump đang phản ứng mãnh liệt với những vụ xuống đường biểu dương đông người tham dự. Tuy nhiên, hoàn toàn không thấy triển vọng Trump vẫn ngự trị ở Toà Bạch Ốc sau ngày 20 tháng 1 năm 2021. Nếu bất đồng quá lớn mà không tìm được điểm đồng thuận, một cuộc nội chiến lần thứ 2 ở nước Mỹ có thể xảy ra không? Hiện tại chưa ai nó đến điều đó, và chắc sẽ không xảy ra, bởi vì Trump chỉ là một thương gia, không phải là một người cách mạng mang hoài bão lý tưởng để lãnh đạo một phong trào như thế. Donald Trump không phải là Jefferson Davis hay Robert E. Lee của Liên minh Miền Nam trong cuộc nội chiến Nam Bắc của Mỹ giữa thế kỷ 19.
Vậy thì, nhìn về tương lai, bốn năm sắp đến, dù muốn dù không, chúng ta cũng sẽ phải sống dưới chính quyền của Joe Biden với tất cả những hệ luỵ của nó. Và cộng đồng Việt thân Trump này sẽ ra sao?
Đầu tiên nhất, bỏ qua những phê phán mà phía Việt thân Biden thường đưa ra về tính cách để cho rằng Trump không xứng đáng làm lãnh đạo quốc gia, thì mọi người đều phải công nhận rằng, sự ủng hộ của cộng đồng Việt đối với Trump xuất phát từ lòng yêu nước và lo lắng cho tiền đồ của Việt Nam một cách tự nhiên và chân thành.
Chưa bao giờ vị thế của Việt Nam tốt hơn trên trường quốc tế và một phần nhờ vào những tác động của Trump qua cuộc thương chiến với Trung Quốc. Trong tam giác Trung-Việt-Mỹ, cứ mỗi lần Trung-Mỹ xáp gần lại với nhau thì Việt Nam lại bị ăn đòn. Và đó điều đã xảy ra trong thập niên 1970. Sau khi tổng thống Mỹ Richard Nixon viếng thăm Bắc Kinh và bắt tay với Mao Trạch Đông vào năm 1972, thì Hạm Đội 7 của Mỹ đứng yên ở ngoài khơi Biển Đông để cho Trung Quốc chiếm Hoàng Sa vào năm 1974. Và sau khi Đặng Tiểu Bình viếng thăm tổng thống Jimmy Carter vào năm 1978, thì Trung Quốc khởi binh tràn qua biên giới phía Bắc Việt Nam vào năm 1979.
Trong thập niên 1980, trong khi Việt Nam bị Mỹ và Trung Quốc cầm chân ở Campuchia qua sự ủng hộ và tài trợ Khmer Đỏ, thì Trung Quốc đã đánh chiếm bãi đá cạn Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào năm 1988.
Trong thời kỳ hoà hoãn sau đó từ thập niên 1990 trở đi, Mỹ và Việt Nam từ từ nối lại bang giao, nhưng sự phát triển kinh tế của Việt Nam chỉ là thứ yếu so với ưu tiên của Mỹ đối với Trung Quốc. Chỉ có từ khi cuộc thương chiến với Trung Quốc do Trump phát động xảy ra, thì vai trò kinh tế, chính trị và quân sự của Việt Nam mới trở thành chiến lược và không thể thiếu được đối với Mỹ và đồng minh. Cảm giác một người bị ngộp vừa được hít hơi thở đầu tiên giải thích được sự ủng hộ nhiệt thành của cộng đồng Việt Nam đối với tổng thống Trump.
Tuy nhiên, chuyện của nước Mỹ không phải chỉ xoay quanh Trung Quốc và Biển Đông. Bên trong thì phải đối phó với nhiều vấn đề như xã hội phân hoá, cách biệt giàu nghèo, phát triển không đồng đều, kỳ thị chủng tộc, chính sách y tế, vấn nạn di dân. Bên ngoài thì đối phó với những đe doạ thường trực như Nga, Iran, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, trấn giữ những vị thế chiến lược trong cuộc chiến tranh chống khủng bố ở Iraq và Afganistan, cũng cố quan hệ đồng minh truyền thống với Tây Âu, Nhật Bản và Úc, và phát triển quan hệ mới với Việt Nam, Ấn Độ. Ngoài ra thì vẫn phải nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế, quân sự và chinh phục không gian. Cho nên kết quả bầu cử tổng thống Mỹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà không phải lúc nào cũng thuận theo mong muốn của cộng đồng chúng ta.
Người Việt tại Mỹ là một cộng đồng tỵ nạn, có xuất phát từ một nguồn gốc của chính trị, cho nên có quan tâm lớn một cách tự nhiên đến tình hình diễn biến chính trị. Trong cuộc tranh cử này, ngay cả người Mỹ cũng bất ngờ phát hiện ra sức mạnh của cử tri Việt qua những sự kiện biểu dương nổi bật trên bề mặt. Tuy nhiên, bên trong cộng đồng thì đang xảy ra một cuộc xung đột nghiêm trọng giữa phe hữu, tên tạm gọi cho những người theo chủ nghĩa bảo thủ ủng hộ Trump, và phe tả, cho chủ nghĩa cấp tiến ủng hộ Biden trong đó có nhiều người trẻ thuộc thế hệ di dân thứ hai của người Việt.
Phe hữu lên án báo chí dòng chính của Mỹ là cánh tả, là ‘thổ tả’ là ‘fake news’, lên án Biden là thân Trung Quốc, và đảng Dân chủ gian lận bầu cử. Những quy chụp này khá là không đúng.
Báo chí tư nhân độc lập của Mỹ có mặt hàng trăm năm nay là nền tảng của nền dân chủ Mỹ, thì không một sớm một chiều mà thay đổi đường lối. Chưa kể, tính chất phê phán kiểm soát lẫn nhau không cho phép những cơ quan báo chí đánh mất tính trung thực mà không bị đồng nghiệp ở Mỹ và thế giới lên án. Đồng ý là những người đi vào lãnh vực báo chí thường có khuynh hướng thiên tả nhưng họ cũng được đào tạo để đặt tiêu chí nghề nghiệp trung thực và khách quan trên hết, cho nên không thể dễ dàng phủ nhận giá trị của những cơ quan báo chí dòng chính này. Chưa kể, báo chí là bộ phận đề kháng duy nhất trong thể chế dân chủ để chống lại độc tài và những bất công trong xã hội. Chúng ta đến Mỹ thừa hưởng đời sống dân chủ ở đây thì cũng nên trân trọng giá trị của báo chí đã đóng góp trước khi đập phá nó một cách không có cơ sở. Chưa kể, là một cộng đồng thiểu số, nếu một mai chúng ta bị hiếp đáp bất công, thì báo chí là người sẽ cứu giúp chúng ta trước hơn ai hết.
Về vấn đề Biden hay đảng dân chủ có thân Trung Quốc hay không, việc đó không phải một cá nhân có thể lũng đoạn được. Chính sách của nước Mỹ sẽ phụ thuộc vào quyền lợi của nước Mỹ. Tính toán chiến lược của họ có khi sai, nhưng một khi phát hiện, sẽ có sự điều chỉnh. Việc cho phép Trung Quốc trỗi dậy một cách không kiểm soát hiện được cho là một sai lầm chiến lược. Và cho dù tổng thống nào, thì khuynh hướng đó cũng sẽ tiếp tục được kế thừa và phát huy. Từ thời Obama đã khởi động ‘Xoay trục Á Châu’ và thành lập TPP, một vùng kinh tế phi thuế quan không có Trung Quốc. Trump tiếp tục xu hướng đó một cách mạnh mẽ hơn với cuộc thương chiến với Trung Quốc, gia tăng thể hiện sức mạnh quân sự ở Biển Đông, công khai hợp tác với Đài Loan, và đẩy mạnh việc thành lập Bộ Tứ Kim Cương Quad, được cho là một liên minh quân sự Nato của Á Châu, trong đó Việt Nam cũng được gợi ý mời tham gia. Trong thời kỳ vận động tranh cử, Biden đã công khai phê phán Trung Quốc và có thể dẫn đến việc tái gia nhập TPP. Tính cách đối phó với Trung Quốc qua từng nhiệm kỳ tổng thống có thể khác nhau, nhưng xu hướng chính sẽ không thay đổi.
Sức mạnh chính trị của một cộng đồng đến từ từng cá nhân tự giác muốn xuống đường để tham gia tạo tác động vào xã hội. Cộng đồng chúng ta may mắn sở hữu một sức mạnh chính trị mà không phải cộng đồng thiểu số nào cũng có. Tuy nhiên, nếu không có những định chế dân chủ để làm nền tảng sinh hoạt, thì sức mạnh đó có thể có tác dụng phá hoại thay vì xây dựng. Những bất đồng phải có diễn đàn để trao đổi, thương lượng và có cơ chế để đi đến quyết định.
Điều kế tới mà cộng đồng Việt Nam cần để tâm đầu tư là xây dựng những định chế dân chủ trong cộng đồng như một bước trưởng thành về chính trị trong cuộc hành trình trường thiên của dòng Lạc Việt trên nước Mỹ.
(48% Người Mỹ gốc Việt ủng hộ Trump thay vì Biden) [https://www.vox.com/first-person/2020/10/30/21540263/vietnamese-american-support-trump-2020]