Mưu lược Mỹ-Trung, cờ vây, cây gậy và củ cà rốt


Dốc Thượng, October 16, 2020

Nga-Trung-Mỹ như là một chuyện Tam Quốc thời hiện đại. Mỹ liên thủ với Trung Quốc hạ Nga Xô không khác gì Lưu Bị hợp quân với Tôn Quyền để đánh Tào Tháo trong trận Xích Bích. Nhưng rồi Thục Hán Lưu Bị cũng quay lại đánh nhau sống chết với Đông Ngô Tôn Quyền. Có phải Mỹ và Trung Quốc cũng đang tiến tới giai đoạn đó?

Nửa sau của thế kỷ 20 là cuộc Chiến Tranh Lạnh, Nga Xô và Trung Quốc cùng một phe thuộc khối Cộng Sản, nhưng sau khi lãnh tụ Josef Stalin qua đời, Nikita Khrushev của Nga Xô chủ trương chung sống hoà bình với Phương Tây vì nguy cơ chiến tranh nguyên tử, trong khi Mao Trạch Đông của Trung Quốc cho đó là chủ nghĩa xét lại và cáo buộc Nga Xô đi ngược với học thuyết Max-Lê nguyên thuỷ. Nga và Trung Quốc xích mích, tách ra, chia ba thiên hạ làm thành thế chân vạc Nga-Trung-Mỹ.

Trong ba quốc gia, Trung Quốc lạc hậu và yếu nhất. Vậy mà nay, Trung Quốc trở thành siêu cường, tranh hùng vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ, khiến cho Mỹ đang phải vất vã thuyết phục đồng minh giữ vững phòng tuyến trước sự xâm nhập và công phá vũ bão của Trung Quốc. Thế mới biết, mưu lược của giới tinh hoa Trung Quốc, con cháu của Tôn Tử, không phải là tầm thường.

Sau khi hạ gục Nga Xô, bức tường Bá Linh bị sụp đổ, Liên bang Sô Viết bị tan rã ra thành 15 nước, Mỹ đã ngủ quên trên chiến thắng. Với sự lạc quan kiêu ngạo và chủ quan thiếu thực tế của mình, Mỹ đã để cho Trung Quốc đảo ngược thế cờ. Trong vòng 40 năm, Trung Quốc từ một quốc gia nghèo đói, bị nạn nhân mãn, không đủ ăn, đã trở thành chủ nợ của Mỹ, và mở ngân khố để cứu nền kinh tế thế giới trong thời kỳ khủng hoảng 2008. Các nuớc Phương Tây phải quỵ luỵ trước nguồn lực tài chánh của Trung Quốc, và thèm thuồng những hợp đồng kinh tế khủng cũng như thị trường tiêu thụ bao la của Trung Quốc. Năm 2018, khi Tập Cận Bình chủ toạ hội nghị “Nhất Đái, Nhất Lộ” tức là “Một vành đai, một con đường” hay Belt and Road Initiative (BRI) theo cách nói của tiếng Anh thông dụng, hầu như nguyên thủ quốc gia nào cũng đi tham dự, trong khi Mỹ đứng ngoài và bàn ra. Ở hội nghị kinh tế Davos 2017, Tập Cận Bình diễn thuyết như nhà lãnh đao thế giới của xu hướng kinh tế mở Toàn Cầu Hoá, trong khi tổng thống Donald Trump của Mỹ nói về việc Mỹ sẽ đi theo chủ nghĩa bảo hộ kinh tế quốc gia.

Trung Quốc đã đi một nước cờ vây để phá vỡ chiêu “củ cà rốt” của Mỹ. Cờ Vây (Go) khác với cờ Tướng, đuơc phổ biến rộng rãi ở ba nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Ở Trung Quốc, môn cờ Vây được chơi liên tục không đứt quãng 2500 năm, kể từ khi xuất hiện thời nhà Chu cho đến nay. Cờ Vây rất phong phú nước đi, và mang tính chiến lược cao, với mục tiêu bao vây và tiêu diệt đối phương. Các bậc quân sư và chính trị gia Trung Quốc thường đều biết chơi cờ Vây, được coi như một trong Tứ Nghệ Thuật “Cầm Kỳ Thi Hoạ”.

Mỹ chơi chiêu “Củ cà rốt” với Trung Quốc. Mỹ nghĩ rằng khi người dân Trung Quốc đã sung túc, biết hưởng thụ và có đầy đủ phương tiện, họ sẽ đòi quyền tự do cá nhân nhiều hơn, và như thế tạo ra áp lực dẫn đến thay đổi thượng tầng hệ thống chính trị để đi mô hình dân chủ tự do. Giới tinh hoa của Mỹ yên chí với lý thuyết “bách thắng” này, và đã ngũ quên 40 năm. Khi thức dậy, họ bất ngờ nhận ra rằng Trung Quốc đã hoàn toàn nhìn thấu tâm can của Mỹ, và đã âm thầm từng bước phá vỡ tất cả những ưu thế của Mỹ. Đầu tiên nhất, họ mua chuộc hủ hoá giới tài chánh Mỹ bằng sự hấp dẫn của thị trường lao động và tiêu thụ Trung Quốc. WallStreet thi nhau mua bán, sát nhập và di dời sản xuất các công ty Mỹ sang Trung Quốc làm giàu, mặc kệ các hạ tầng và trung tâm sản xuất của nước Mỹ bị phá sản. Họ yên chí rằng một khi Trung Quốc và Mỹ đã bị buộc chặc và phụ thuộc kinh tế lẫn nhau, thì sẽ không có chiến tranh.

Họ đã vô cùng sai lầm. Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng Trung Quốc đã chuẩn bị trước để không phụ thuộc vào Mỹ. Trung Quốc xây hàng rào Internet, giới hạn công ty Mỹ vào làm ăn ở Trung Quốc, áp lực phải chuyển giao công nghệ và tích cực đánh cắp tài sản trí tuệ. Trung Quốc tích luỹ tiền bạc, đầu tư vào những lĩnh vực nhảy vọt như kỹ thuật 5G, thông minh nhân tạo, công nghệ lượng tử, người máy, xe điện, điện mặt trời, kỹ thuật bán dẫn, không gian và ra sức chinh phục quan hệ chính trị ở những vùng ảnh hưởng mà Mỹ bỏ quên như Phi Châu và các quốc gia đang phát triển. Trung Quốc đưa ra mục tiêu hoàn toàn tự lập và chi một ngân sách 300 tỷ Mỹ kim cho kế hoạch “Made in China 2025”.

Khi Trung Quốc tung ra chương trình “Một vành đai, một con đường”, song song với Asian Infrastructure Investment Bank (AIIB) hay Ngân Hàng Đầu tư Hạ tầng Á Châu, và thương ước mậu dịch RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) bao gồm ASEAN, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Úc, nhưng không có Mỹ, Mỹ mới chột dạ nhận ra sự chiến lược cờ Vây nguy hiểm của Trung Quốc. Thay vì để cho mô hình tự do dân chủ của Mỹ lật đổ chế độ, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã bao vây ngược lại Mỹ. Những đồng minh thân cận của Mỹ như Anh hạ mình tiếp đón trọng thị Tập Cận Bình. Đức đang hưởng lợi từ thị trường xe hơi của Trung Quốc. Hy Lạp phá sản kinh tế phải nhờ và sự cứu vớt tài chánh của Trung Quốc. Ý, một trong 7 quốc gia dân chủ hàng đầu G7, đồng ý tham gia BRI. Úc gần như bị bắt sống, khi phần lớn của nền kinh tế Úc phụ thuộc vào Trung Quốc. Liên Âu ngại đụng chạm Trung Quốc đến nỗi tự kiểm duyệt trong báo cáo nhân quyền của mình, không dám nhắc đến những vi phạm diệt chủng độc ác ở Tân Cương. Các quốc gia Châu Phi coi mô hình chính trị tập trung của Trung Quốc là thích hợp hơn cho nhu cầu của mình.

Khi lãnh tụ Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc dặn dò “hãy giấu nanh vuốt và ẩn mình chờ thời”, người Mỹ không hiểu hết câu nói này. Khi đã hiểu ra thì gần như quá muộn. Cho nên, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 là một bước ngoặc lớn của lịch sử. Nếu Hilary Clinton thắng cử năm đó, thì chưa chắc Mỹ đã dám táo bạo phát động thương chiến với Trung Quốc như hiện nay. Người dân Mỹ hiện nay đã ý thức được hiểm hoạ Trung Quốc, cả hai đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hoà đều có thái độ chống Trung Quốc, có thể chiến thuật khác nhau, nhưng mục đích đều giống nhau.

May thay, vì sự kiện Trung Quốc đàn áp biểu tình Hồng Kông và vi phạm hiệp định đã giao ước với Anh về cựu thuộc đia này, đồng thời với sự giấu diếm nguồn gốc xuất phát bệnh dịch Vũ Hán đang làm thế giới khốn đốn, và thái độ đạo đức giả khai thác khủng hoảng này, khiến cho gió đã đổi chiều một cách nhanh chóng. Khối đồng minh thân cận của Mỹ như Anh, Đức, Canada, Nhật, Úc, Tân Tây Lan đã loại sản phẩm truyền thông mạng 5G của Huawei ra khỏi hệ thống mạng của mình để phòng ngừa Trung Quốc lợi dụng khai thác lỗ hỏng đánh cắp thông tin mật. Các quốc gia khác ở Âu Châu và Ấn Độ cũng đã có thái độ phê phán và chống đối Trung Quốc.

Chữ “thời” trong câu “chờ thời” của Đặng Tiểu Bình và một chữ dễ hiểu nhưng rất khó thẩm thấu để thực hành. Giới tinh hoa của Trung Quốc cho rằng sau khủng hoảng kinh tế 2008, Mỹ đang trên đà suy vong và thời cơ cho Trung Quốc lộ hình ra tay. Tính toán về thời cơ này của Trung Quốc đúng hay sai? Có thể sai vì quá sớm? Hay có thể đúng, nhưng không ai tính trước được một nhân vật chưa từng làm chính trị lại trở thành tổng thống Mỹ, hay một bịnh dịch chưa từng có trên nhân loại lại từ trên trời rơi xuống. Tính toán đúng như Chu Du thời Tam Quốc mà cuối cùng cũng phải hộc máu chết sau khi than câu “Trời sinh Du sao còn sinh Lượng” cũng chỉ tại chữ thời.

Đằng nào đi nữa, thì từ đây trở đi, Trung Quốc sẽ phải đối phó với chiêu thứ hai của Mỹ liên hoàn với “Củ cà rốt” là “Cây gậy”. Mỹ là quốc gia dân chủ, những quyết định thường chậm và mang tính phản ứng, đối phó hơn là tấn công trước. Nhưng trong những trận đường dài huy động được tinh hoa của tập thể cho nên thường mang về thắng lợi. Chúng ta hãy chờ xem.