Giải mã nước Mỹ năm 2020


Dốc Thượng, November 07, 2020

Theo dõi bản đồ đếm phiếu của cuộc tranh cử năm 2020 người ta dễ dàng nhận ra những tiểu bang màu xanh bỏ phiếu cho Biden nằm ven biển ở vùng Đông Bắc giáp Đại Tây Dương, ở phía Tây giáp Thái Bình Dương, và vùng Ngũ Đại Hồ quanh thành phố Chicago. Vùng còn lại ở giữa nước Mỹ, được gọi là vùng Trung Tây, và phía Nam hoàn toàn màu đỏ, bỏ phiếu cho Trump. Sự hình thành địa lý và xã hội chính trị nào giải thích được cho sự tách biệt xanh đỏ này của nước Mỹ?

Từ lâu, theo truyền thống, đảng Dân chủ thường đưa ra thiên về những chính sách đối nội, an sinh xã hội mang lại phúc lợi cho dân nghèo và, trong khi đảng Cộng hoà thiên về đối ngoại và phát triển kinh tế cho nên được lòng khối dân giàu có.

Dấu ấn nhiều đời tổng thống Mỹ đã thăng trầm phản ánh theo hai đường lối tiêu biểu đối nội và đối ngoại này, như tổng thống Dân chủ Lyndon Johnson với chính sách ‘The Great Society’ xây dựng lại xã hội hiện đại mới và nới rộng dân quyền. Tổng thống Cộng hoà Richard Nixon với leo thang chiến tranh Việt Nam và bắt tay với Trung Quốc. Tổng thống Dân chủ Jimmy Carter đối phó với khủng hoảng dầu hoả và tổ chức cứu trợ và định cư thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam. Tổng thống Cộng hoà Ronald Reagan với lá chắn tên lửa đã hạ bức tường Bá Linh và Liên Xô. Tổng thống Cộng hoà George H. Bush (Bush cha) với chiến tranh Iraq lần thứ nhất. Tổng thống Dân chủ Bill Clinton với Toàn cầu hoá, cho Trung Quốc quy chế Tối Huệ Quốc và tham gia vào WTO. Tổng thống Cộng hoà George W. Bush (Bush con) với sự cố 9-11, chiến tranh chống khủng bố và chiến tranh Iraq lần thứ hai. Tổng thống Dân chủ và da đen đầu tiên, Barrack Obama với phục hồi kinh tế sau khủng hoảng tài chánh năm 2008, và chính sách y tế phổ quát Obamacare. Và gần đây nhất là tổng thống Cộng hoà Donald Trump phát động cuộc thương chiến với Trung Quốc.

Trước khi có xu hướng Toàn Cầu Hoá và sự nổi lên của Trung Quốc như là một trung tâm chế xuất cho toàn thế giới, thì vùng Trung tây và Nam ở giữa của nước Mỹ là vùng công nghiệp năng, sản xuất và trồng trọt, tạo triệu triệu công ăn việc làm cho giới công nhân và thu nhập thấp. Trong khi đó vùng miền Tây và Đông Bắc của Mỹ thiên về kỹ nghệ quốc phòng, kỹ nghệ điện toán, và kỹ nghệ giải trí.

Trong thời Chiến Tranh Lạnh với chiến tranh Việt Nam, kỹ nghệ quốc phòng phát triển đi song hành với chính sách đối ngoại diều hâu của Cộng hoà cho nên cử tri trong những vùng này ủng hộ đảng Cộng hoà. Nhưng khi xu huớng Toàn Cầu Hoá của tổng thống Dân chủ Clinton bắt đầu xảy ra thì kỹ nghệ điện toán miền Tây và Đông Bắc nước Mỹ lại hưởng lợi với những đại công ty toàn cầu như Google, Apple, Michrosoft, hay Amazon.

Trong khi đó, khu vực sản xuất Trung Tây bị phá sản, thanh niên da trắng lớn lên không có việc làm, trở nên hút sách và nghèo khó, oán hận Trung Quốc và những người chủ trương toàn cầu hoá của đảng Dân chủ. Đảng Cộng hoà bình thường cũng chủ trương phát triển kinh tế nhưng không phản đối chính sách toàn cầu hoá và tiếp tục dung dưỡng Trung Quốc mặc dù quốc gia này lạm dụng đục phá nước Mỹ.

Những điều này giải thích sự ủng hộ trung thành đối với Trump của các cử tri Cộng hoà và nhất là cử tri gốc Việt lo sợ hiểm hoạ Trung Quốc thu tóm Biển Đông và khống chế Việt Nam. Ngay cả số đông người dân ở Việt Nam cũng mong muốn ông Trump tái đắc cử.

Cái thiên tài của Donald Trump là ông thấy ra khối phiếu cử tri Mỹ trắng bất mãn này đã không được chính trị gia nào để ý đến. Thế là ông Donald Trump, là một người chưa từng ra tranh cử bất cứ chức vụ lớn nhỏ nào, đã mở ra một chiến dịch chính trị vô tiền khoáng hậu hạ một đống chính trị gia nhiều kinh nghiệm Cộng hoà như thống đốc bang Florida, Jeb Bush, thượng nghị sĩ Marco Rubio, thống đốc bang Ohio John Kasich, thương nghị sĩ Ted Cruz và thượng nghị sĩ Lynsey Graham và nhiều tên tuổi nữa như Chris Christie, Rand Paul, hay Mike Huckabee. Các vị này thua, mà cho đến phút chót cũng chưa hiểu vì sao.

Ông Trump bắt đầu sự nghiệp chính trị có một không hai của mình bằng hình ảnh hạ sơn bằng chiếc cầu thang máy mạ vàng với người vợ xinh đẹp tại khách sạn mang tên ông, và tuyên bố ông sẽ đặt ưu tiên “Nước Mỹ trên hết”, xây dựng tường thành biên giới phía Nam, bắt hết ‘lũ đầu trộm, đuôi cướp’ vượt biên lậu từ Mễ, rút lui khỏi hết hiệp định kinh tế ‘bất bình đẳng’ (trong đó có TPP mà Việt Nam rất mong muốn có Mỹ tham gia), yều cầu đồng minh chi thêm ngân sách của Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO. Và đơn phương rút ra khỏi hiệp ước Chống Biến đổi Khí hậu Paris.

Ông xuất hiện ở hội nghi kinh tế Davos năm 2017 phát biểu trước mặt cách lãnh tụ thế giới rằng ‘quý vị cũng nên lo cho quyền lợi mỗi quốc gia riêng của mình đi’. Trong khi đó Tập Cận Bình lại nổi lên như một lãnh đạo mới của thế giới với những phát biểu cổ võ xu hướng Toàn Cầu Hoá mà Trung Quốc đang hưởng lợi, đồng thời còn đưa ra dự án ‘Nhất Đái Nhất Lộ, một vành đai một con đường’ khiến các lãnh đạo quốc gia Á Âu và Phi phải thèm thuồng. Người ta cảm thấy dường như giai đoạn siêu cường của Mỹ đang bắt đầu đi vào lụi tàn.

Về lại Mỹ, Trump phát động thương chiến với Trung Quốc, tăng thuế hàng ‘Made in China’ lên tới 25-30%, áp lực đồng minh cùng tẩy chay và triệt hạ công ty viễn thông 5G Huawei (Hoa Vi) của Trung Quốc. Chuyện còn đang dang dỡ chưa đi đến đâu vì đồng minh Tây Âu của Mỹ cũng đang ham cái ‘củ cà rốt’ mà Trung Quốc treo lũng lẳng trước mũi.

Thế nhưng, một tai hoạ từ trên trời giáng xuống là đại dịch Vũ Hán bắt nguồn từ Trung Quốc như cuồng phong gieo rắt chết chóc và kinh hoàng khắp nơi trên Trái Đất. Cộng thêm với những lơi dụng chính trị thừa cơ ‘đục nước béo cò’ của Trung Quốc, đàn áp biểu tình ở Hông Kông, xé bỏ Hiệp định đã ký kết với Anh Quốc, diệt chủng ở Tân Cương, và hung hăng ở Biển Đông khiến lãnh đạo của nhiều quốc gia tỉnh ngộ trước hiểm hoạ âm thầm nhưng nguy hiểm của ‘Giấc mộng Trung Hoa’, đang từng bước khống chế thế giới theo một trật tự độc tài mà ở đó Tập Cận Bình là vị hoàng đế sau Tần Thuỷ Hoàng một lần nữa đã có công ‘thống nhất thiên hạ”.

Chính sách chống Trung Quốc của Trump được ngay cả những người phê phán Trump cho là sáng suốt và lợi ích cho nước Mỹ. Và nó đã xoay chuyển được số đông người dân có thái độ ‘bài Trung Quốc’. Giới tài chánh Phố Wall đi đầu trong việc cổ võ làm ăn với Trung Quốc cũng im lặng trước những xoay đổi này vì Tập Cận Bình từ khi lên nắm quyền, không còn ve vãn giới tài phiệt này để ảnh hưởng vào chính sách của Toà Bạch Ốc nữa. Tập Cận Bình nhận định rằng sau cuộc khủng hoảng tài chánh 2008 mà Mỹ cần Trung Quốc ra tay phục hồi kinh tế toàn cầu, thì hoàng hôn đã bắt đầu buông xuống trên kỷ nguyên Hoa Kỳ.

Giới kỹ nghệ tin học và điện toán sau nhiều năm hăm hở đi vào để chinh phục thị trường Trung Quốc thì đến nay cũng nhận ra rằng Trung Quốc không thực sự chơi trò chơi kinh tế thị trường công bằng. Các dịch vụ toàn cầu như của Facebook, YouTube, Google bị cấm hoặc giới hạn. Nạn đánh cắp tài sản trí tuệ và bắt ép chuyển giao công nghệ cũng khiến cho nhiều công ty không mặn mà can ngăn chính sách chống Trung Quốc của Trump.

Trong 4 năm cầm quyền, thiên tài của Trump đã rớt xuống để lộ ra con người thật của Trump, hiện hình là một thương gia địa ốc, nhiều mánh khoé, độc đoán, tham lam, láo xạo, kỳ thị người da màu, và không có lòng nhân, khiến cho lòng dân oán hận. Dịch Vũ Hán hoành hành triệu người mắc bệnh, hàng trăm ngàn người chết, mà ông cứ dững dưng. Trump ra sức phá hoại các định chế dân chủ của Mỹ. Ông có thiên hướng muốn trở thành nhà độc tài. Gọi báo chí là ‘kẻ thù của nhân dân’. Dường như tất cả mọi sự, Trump đều giải quyết theo hướng tạo ra loạn lạc để tìm cách thủ lợi.

Sự trung thành của số đông cử tri Cộng hoà đã giúp cho ông Trump khống chế các chính trị gia Cộng hoà. Ông nào hó hé muốn chống lại là Trump xúi giục cử tri của mình tẩy chay. Một số chính trị gia Cộng hoà đã phải chọn con đường rời chính trường để bảo vệ danh tiếng và tương lai chính trị, như cựu Chủ tịch Quốc hội Rand Paul hay thượng nghị sĩ Jeff Flake. Ngay cả người được cả nước kính trọng đã chết như, thượng nghị sĩ John McCain cũng bị ông mạt sát, trả thù nhỏ nhen.

Cái gì ‘bạo phát thì bạo tàn’. Sự xuất hiện bất ngờ và thăng tiến của như diều gặp gió của Trump song hành với sự ra đi cũng đột ngột giữa chừng làm cho nhiều người ngỡ ngàng. Nhưng dấu ấn ông để lại sẽ là một cột mốc quan trọng trong lịch sử của nước Mỹ. Ông đã đảo lộn hai màu xanh đỏ trên bản đồ bầu cử của nước Mỹ.

Gia tài chính trị của ông đang làm nhiều chính trị gia đảng Cộng hoà thèm thuồng là một khối cử tri thuộc thành phần công nhân, da trắng, không có bằng cấp đại học, đang lo sợ cho sự tồn tại của mình trong một đất nước di dân ngày càng đông đúc của một thế giới toàn cầu hoá. Các chính trị gia Cộng hoà mang tham vọng trở thành tổng thống năm 2024 đã bắt đầu ve vãn khối cử tri này, trong đó có cả Donald Trump Jr., con trai của tổng thống Trump.

Người kế tục ông Trump, ông Joe Biden, vị tổng thống thứ 46 sắp tới của Mỹ sẽ phải đối diện với một hiện thực phân hoá xã hội sâu sắc mà chính sách tiếp cận sẽ định hình lâu dài cho diện mạo của một nước Mỹ tương lai.