Tổng thống Donald Trump một lần nữa cho biết là ông là ông nghi ngờ về sự khả tín của cuộc bầu cử đang diễn ra. Trump cho biết, nếu cuộc kiểm phiếu kéo dài quá ngày bầu cử thì đó là một điều rất tồi tệ, và những luật sư của ông sẽ can dự vào việc này. Phát biểu này hàm ý là nếu bị thất cử thì Trump sẽ từ chối kết quả và sẽ đấu tranh qua ngã luật pháp (chính yếu là kiện lên Tối cao Pháp viện). Điều này mở ra một câu hỏi là nếu Trump thất cử thì liệu ông có vui vẻ chuyển giao quyền lực êm ả như truyền thống sinh hoạt chính trị của Hoa Kỳ hay không?
Trong chiều hướng ghi nhận hiện tại và qua những lời nói bóng gió của Trump thì nếu thất cử thì Trump có nhiều triển vọng sẽ không chịu nhường quyền ngay bằng cách sẽ kiện lên Tối cao Pháp viện. Nếu tình huống này kéo quá dài lâu sẽ xảy ra một tình trạng rất nguy hiểm và bối rối vì giới hành pháp liên bang sẽ lưỡng lự không biết sẽ phải tuân thủ theo lệnh của tổng thống đương nhiệm hay tổng thống mới được bầu. Tất nhiên quyền hành chỉ thực sự vào tay tổng thống đắc cử sau khi tuyên thệ nhậm chức nhưng việc chuyển giao quyền lực phải lập tức xảy ra để có một sự liên tục cai trị.
Tuy nhiên, ngành hành pháp các tiểu bang sẽ không ảnh hướng gì nhiều vì truyền thống tương đối khá độc lập với hành pháp liên bang ở trung ương.
Những cuộc thăm dò đến nay cho thấy Biden đang dẫn đầu số phiếu phổ thông (popular votes) Tuy nhiên đó chỉ là một khía cạnh của cuộc bầu cử vì sẽ có nhiều bất ngờ ở những tiểu bang “đứng giữa (swing states)“ không chịu ảnh hưởng rõ rệt theo Dân chủ hay Cộng hoà. Nếu Biđen thắng với một cách biệt rất nhỏ thì kết quả sẽ không thể được biết rõ ràng hay chính thức công bố trong phút chót của ngày bầu cử bởi vì những phiếu khiếm diện bầu từ trước qua ngã bưu điện.
Đây là một trở ngại vì tại một số tiểu bang mang tính định đoạt kết quả thắng thua sẽ không khởi sự đếm một số lượng phiếu khộng lồ được bầu qua ngả bưu điện. Số phiếu bầu sớm này sẽ chỉ được bắt đầu đếm trong ngày bầu cử.
Điều này xét ra cũng hợp lý vì nếu đếm trước và công bố thì sẽ tạo nên những phản ứng bất lợi cho một trong hai đối thủ. Cử tri thường có khuynh hướng buông xuôi, bỏ cuộc nếu thấy “con gà“ của mình ở thế thua thiệt và sẽ không đích thân đi bầu trong ngày bầu cử chính thức.
Thực tế cho thấy là ở một số nơi như Pennsylvania (một tiểu bang đứng giữa sẽ quyết định ưu thế) cho biết là việc kiểm phiếu bầu bằng thư qua bưu điện sẽ phải kéo dài vài tuần lễ vì họ chưa bao giờ phải đối phó với một số lương thư bầu cử khổng lồ như vậy.
Vì thế nếu Biden dẫn đầu không đưa tới một kết quả rõ ràng thì người ta sẽ phải đợi nhiều ngày trước khi kết quả cuối cùng được xác nhận.
Nếu Trump thắng, chắc chắn phe Dân chủ cũng sẽ tranh đấu đòi phải kiểm toàn bộ số phiếu bầu sớm vì đa số cử tri dân chủ đã bỏ phiếu từ trước bằng thư.
Một trong hai ứng cử viên sẽ đòi đếm lại số phiếu nhất là ở một số tiểu bang mang tính quyết định thắng thua. Điều này từng xảy ra trong cuộc tranh cử giữa George W. Bush và Al Gore.
Tóm lại diễn tiến của cuộc bầu cử còn hứa hẹn nhiều bất ngờ gay cấn và đây cũng là một thách thức cho cơ chế dân chủ của Hoa Kỳ
Người ta cho rằng kết quả cuối cùng sẽ quyết đinh ở bang Pennsylvania và lúc đó Tối cao Pháp viện sẽ phải ra phán quyết chấp nhận hay không chấp nhận những phiếu bầu chưa được đếm sau ngày bầu cử. Nếu trường hợp này xảy ra thì ưu thế sẽ ngã về Trump vì ông ta là người đã chỉ định bổ nhiệm ba thẩm phán Tối cao Pháp viện có khuynh huớng bảo thủ.