Bầu cử tổng thống Mỹ trong ôn hoà nhưng căng thẳng


Dốc Thượng, November 03, 2020

Cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 bị nhiều người lo sợ sẽ xảy ra nhiều xung đột, kể cả bạo động, không lường trước được, thế nhưng cho đến giờ phút đóng cửa các thùng phiếu, thì vẫn chưa thấy có những sự cố đáng tiếc đáng chú ý nào xảy ra. Trên cả nước, người dân lặng lẽ đi làm nhiệm vụ bỏ phiếu và im lìm hồi hộp chờ đợi kết quả.

Việc tổ chức bầu cử sớm cộng với nổ lực tạo điều kiện để mọi người có thể bỏ phiếu khiếm diện qua đường bưu điện đã giúp gần phân nửa của 200 triệu cử tri đã bỏ phiếu trước ngày bầu cử 3 tháng 11. Những cử tri còn lại cũng hăng hái xuống đường bỏ phiếu, chịu khó xếp hàng không quản ngại nguy cơ lây truyền dịch bịnh tạo nên kỷ lục về số lượng bỏ phiếu so với nhiều cuộc bầu cử khác trong quá khứ. Điều này chứng tỏ người dân Mỹ hiểu rằng đây là một cuộc bầu cử quan trọng đến tương lai của nước Mỹ, của thế giới, của bản thân, gia đình, và của con cháu đời sau.

Theo dõi diễn biến chênh lệch kết quả cuộc bầu cử cho thấy cuộc chạy đua khá căng thẳng, không rõ rệt như những thống kê trước đó, nhất là ở những tiểu bang quan trọng được giới báo chí mệnh danh là bang “chiến trường” như Florida, Pennsylvania, Wisconsin, Arizona, và Michigan. Dù ai thắng đi nữa, điều này chứng tỏ rằng hai khuynh hướng chính trị đối nghịch đều có sự ủng hộ ngang ngữa nhau. Và vị tổng thống trong nhiệm kỳ kế tới sẽ phải đối phó với thử thách phân hoá sâu sắc này trong xã hội Mỹ.

Tính minh bạch của cuộc tranh cử tổng thống cho thấy sức mạnh của nền dân chủ Mỹ. Ít có quốc gia nào chịu đựng được những giao động xung đột mạnh mẽ như Mỹ nhưng vẫn giữ được nền tảng pháp trị để có quyết định và vượt qua. Để làm được điều này gần như ai cũng phải có ý thức và tham gia đúng với vai trò và trách nhiệm của mình, từ giới chính trị, lập pháp, tư pháp, cho đến báo chí và người dân.

Về vấn đề đối ngoại, mặc dù trong thời gian tranh cử có nhiều thông tin cho rằng ông Joe Biden sẽ thân Trung Quốc hơn, nhưng đây có thể chỉ là những thủ thuật tung tin lung lạc vào giờ chót trước giờ khắc bầu cử hòng ảnh hưởng đến kết quả. Nước Mỹ trong nhiều năm, giới nghiên cứu chính sách của Mỹ đã nhận ra sai lầm và đã cảnh báo giới chính trị về mối đe doạ của Trung Quốc. Tuy nhiên phải đợi tới thời kỳ của Tổng thống Trump trong bốn năm qua mới có những hành động cụ thể. Nhờ vào những sai lầm của Tập Cận Bình, chính quyền Trump đã thành công trong việc thuyết phục đồng minh thay đổi thái độ và có những hành động chống Trung Quốc hơn. Cho dù ai sẽ làm tổng thống, nước Mỹ sẽ theo đuổi chính sách này, bởi vì nền tảng của giới nghiên cứu chính sách, giới quân sự, giới chính trị đã có sự đồng thuận. Khó có một cá nhân tổng thống nào có thể thuyết phục thay đổi ý kiến của một bộ máy to lớn như thế. Đó là chưa kể đến lòng dân cũng có ý chống Trung Quốc.

Đối với đồng minh Tây Âu, họ thích ông Biden hơn bởi lẽ đơn giản là ông Trump đã gây cho họ không ít khó dễ. Nhưng đối với Đài Loan, Việt Nam, Phi Luật Tân và Nhật Bản, thì có thể thích thái độ chống Trung Quốc thẳng thừng hơn của Trump.

Vấn đề đại dịch Covid-19, nước Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội để thực sự khống chế nó, giờ thì chỉ có thể bàn về cách thức để giảm thiểu thiệt hại và đợi chờ thuốc chủng ngừa. Sau đại dịch, tình hình thế giới sẽ thay đổi, và nước Mỹ bước ra với một tình thế có nhiều thay đổi. Chính sách kinh tế và đối ngoại vì thế cũng sẽ có nhiều thay đổi lớn, mạnh mẽ và táo bạo hơn.

Cộng đồng Việt Nam qua cuộc bầu cử này cũng trưởng thành hơn với những sinh hoạt chính trị ủng hộ hai ứng cử viên tổng thống gây sôi động. Các thành phố địa phương nới có nhiều người Việt sinh sống như quận Cam, San Jose, hay Houston ngày càng nhiều người Việt ra tranh cử, mặc dù ở cấp bực liên bang vẫn chưa thấy có ai. Sinh hoạt báo chí thường gắn liền với sinh hoạt chính trị cũng trở nên phong phú và đa dạng hơn với những kênh youtube với nhiều sáng kiến đáp ứng nhu cầu thông tin của người Việt trên toàn thế giới quan tâm đến tình hình tại Mỹ.