Chính sự nhạy cảm độc lập của mỗi cá nhân đóng góp qua lá phiếu làm nên sức mạnh siêu phàm của nền chính trị dân chủ Hoa Kỳ.
Thứ bảy ngày 31 tháng 12 năm 2020, để tránh đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến việc đi bầu, bang California đã mở cửa cho bầu cử sớm vài ngày, mặc dầu ngày chính thức bầu cử là 3 tháng 11. Phòng bỏ phiếu là những điểm như trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng hay nhà thờ. Địa điểm đi bầu trong vùng cư trú, cử tri có thể dễ dàng tra cứu qua mạng. Những người điều hành, giúp đỡ hướng dẫn cử tri là những công dân thiện nguyện viên và những giám sát viên được cắt cử từ hai đảng Dân chủ và Cộng hoà. Bên trong, cử tri được kiểm tra xác nhận danh tính và địa chỉ cư trú, sau đó có thể chọn bỏ phiếu bằng giấy hoặc qua màn hình máy điện toán bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trong đó có tiếng Anh, tiếng Viêt, tiếng Hàn, Nhật, Hoa, Ấn, Thái, Tây Ban Nha.
Công việc bỏ phiếu ngoài những chức vụ liên bang như tổng thống, dân biểu, thượng nghị sĩ, còn có nhiều chức vụ tiểu bang và địa phương thành phố dân biểu tiểu bang, thượng nghị sĩ tiểu bang, thị trưởng, nghị viên thành phố và các chức vụ uỷ viên giáo dục, y tế, vệ sinh và những dự luật.
Đối với chức vụ tổng thống thì không ai là không biết tới, bởi vì đài báo đã tốn rất nhiều giấy mực, nhưng đối với những chức vụ địa phương khác, một phần lớn cử tri không theo dõi nghiên cứu, cho nên ở đây người ta có thể thấy sự ảnh hưởng của các quảng cáo. Những biển báo trên đường, trên tv, mạng, thư gởi tới nhà hay tin nhắn qua điện thoại có làm cho cử tri quen thuộc với những tên tuổi và ấn tượng xấu hoặc tốt được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Và hiệu ứng tâm lý này mang tầm ảnh hưởng không nhỏ đến giây phút bỏ phiếu chung cuộc của người đi bầu. Điều này cho thấy, ra tranh cử ở Mỹ mà không gây được quỹ tài chánh dồi dào so với đối thủ thì sẽ rất khó thắng.
Riêng Quận Cam, ở hai thành phố Westminster và Garden Grove, với những tranh cãi lớn tiếng giữa những phe phái chính trị của các ứng cử viên gốc Việt cũng khiến cho người dân trong cộng đồng hải ngoại theo dõi và hình thành ý kiến ủng hộ hay chống đối một cách rõ rệt trong năm nay hơn so với những chu kỳ bầu cử bình thường khác.
Cuộc tranh cử Trump-Biden đã đi đến những ngày cuối cùng khi mà hơn 90 trên 200 triệu cử tri đã bỏ phiếu. Những nổ lực tranh cử thuyết phục vào giờ chót sẽ không mang lại thay đổi lớn nào đối với những quyết định đã hình thành trong đầu cử tri. Chỉ còn là chờ đợi kết quả.
Vì tình hình phiếu khiếm diện gởi qua đường bưu điện khá nhiều năm nay, kết quả bầu cử nếu suýt soát sẽ mất nhiều ngày đếm phiếu trước khi được tuyên bố. Người dân có thể sẽ phải mất thêm một chút chờ đợi và hồi hộp.
Tình hình xã hội Mỹ căng thẳng đến nỗi Bộ Ngoai giao của Tân Tây Lan ra thông cáo yêu cầu công dân của mình đang có mặt tại Mỹ cẩn thận tránh các cuộc biểu tình, nổi loạn có thể xảy ra từ sau ngày bầu cử 3 tháng 11 năm 2020 cho đến ngày chuyển giao quyền lực 21 tháng 1 năm 2021. Có phải Tân Tây Lan một trong 5 quốc gia trong mạng lưới tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) có những thông tin phân tích tiên liệu thời cuộc chính xác nào chăng?
(Thông báo từ Bộ Ngoại giao Tân Tây Lan)
Sự phân hoá trong xã hội Mỹ đang lên đến đỉnh cao chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Việt Nam. Hai phe Dân chủ và Cộng hoà không còn hợp tác qua thương lượng như thường thấy, mà mạnh ai nấy làm, ai giành được quyền lực thì lấn áp tối đa, bất chấp thị phi, phê phán. Tổng thống Trump nhiều lần đặt ra nghi vấn về sự công bằng trong kết quả bầu cử bởi vì yếu tố phiếu khiếm diện, và từ chối cam kết chuyển giao quyền lực một cách êm thắm nếu bị thua. Ông có thể kiện lên Tối cao Pháp viện, nơi mà trong nhiệm kỳ của mình, ông đã bổ nhiệm 3 trên 9 thẩm phán. Trong thời gian tranh cãi kết quả bầu cử, những mầm móng chia rẽ và phân biệt chủng tộc Da Đen Da Trắng đã mang nha trong xã hội Mỹ có thể bùng phát.
Trong cộng đồng người Việt, hai phe Việt Trump và Việt Biden cũng bênh chống đã phá nhau kịch liệt, gây chú ý của báo đài truyền thông dòng chính. Sinh hoạt chính trị ồn ào nổi bật của cộng đồng Việt Nam so với các cộng đồng sắc dân khác nói lên phần nào sức mạnh chính trị đang lên của cộng đồng Việt Nam đối với chính trị dòng chính Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tính chiến đấu quyết chiến quyết thắng không nhân nhượng, không tôn trọng của đôi bên phản ánh một văn hoá chính trị cực đoan, thiếu khả năng thương lượng để cùng thắng và cùng chung sống, một yếu tố cực kỳ quan trọng để có một sinh hoạt dân chủ lành mạnh và bền vững. Có phải những người Việt di cư đã quên rằng họ tới Mỹ vì sự tự do dân chủ lâu dài chứ không phải vì Trump hay Biden, hay đảng Dân chủ hay đảng Cộng hoà nhất thời nào.
Cái hay của thể chế dân chủ là trí khôn tổng hợp của số đông thông qua lá phiếu. Không một cá nhân nào có thể nói được thế nào là đúng, thế nào là sai, thế nào là tốt, thế nào là xấu, thế nào là nên và thế nào là không nên trước những hoàn cảnh bất trắc hay những vấn đề quá to lớn phức tạp? Cho nên điều tích cực có thể đóng góp cho nền dân chủ Mỹ, nơi chúng ta đang sinh sống, là cố gắng làm quyết định bỏ phiếu tốt nhất cho bản thân, và chỉ kêu gọi mọi người đi bỏ phiếu bằng chính chọn lựa tốt nhất của họ, nhưng tuyệt đối không áp đặt họ phải bỏ phiếu như thế nào. Chính sự nhạy cảm độc lập của mỗi cá nhân đóng góp qua lá phiếu làm nên sức mạnh tổng hợp siêu phàm của nền chính trị dân chủ Hoa Kỳ.